Tự động chuyển tập: On
    Tắt đèn
    Báo lỗi
    296 lượt xem

Với đa số khán giả đại chúng ngày nay, cụm từ “Báo Đen” hầu như chỉ gợi nhắc tới một siêu anh hùng Marvel - biểu tượng cho tài trí và phẩm chất của người da đen. Nhưng trong lịch sử Mỹ, nó từng là tên của một đảng phái với những hoạt động gây tranh cãi đến tận ngày nay. Đảng Báo Đen (BPP) tồn tại từ năm 1966 đến 1982, cổ vũ quyền lợi người Mỹ gốc Phi với phương châm hoạt động cứng rắn. Thành viên của đảng này mang vũ trang công khai, tuần tra đường phố để chống lại sự tàn bạo của cảnh sát. Đồng thời, họ tổ chức các chương trình cộng đồng nhằm cải thiện điều kiện sống cho người dân. Sự lan tỏa nhanh chóng và quan điểm cứng rắn của đảng Báo Đen khiến họ trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Như lời một nhân vật đầu phim, tổ chức là mối đe dọa lớn nhất cho an ninh Mỹ, hơn cả người Nga hay Trung Quốc. FBI lúc đó đã tìm mọi cách ngăn cản sự trỗi dậy của một “đấng cứu thế da đen” - tức một nhà hoạt động có khả năng đoàn kết các thế lực đối thủ của chính phủ Mỹ. Trong những người bị nhắm đến, nổi bật nhất là Fred Hampton (Daniel Kaluuya), trưởng chi hội Illinois của đảng Báo Đen. Chưa đầy 20 tuổi, anh đã tạo tiếng vang nhờ khả năng hùng biện và dẫn dắt đám đông. Mỗi bài diễn thuyết của vị lãnh đạo trẻ đều tạo sức hút kỳ lạ đến quần chúng. Từ căn cứ địa ở Chicago, Fred gây dựng thanh thế, chiếm lòng tin của cộng đồng đa sắc tộc, và thậm chí cả các băng đảng. Cuối thập niên 1960, cảnh sát Mỹ bắt giữ Bill O’Neal (Lakeith Stanfield) - gã thanh niên chuyên giả làm đặc vụ để cướp ôtô. Nhận ra khả năng “đóng giả thành thần” của người này, FBI gài hắn vào làm gián điệp trong đảng Báo Đen. Bill nhanh chóng thăng cấp và được Fred Hampton tin tưởng. Hắn đứng trước những lựa chọn khó khăn khi cuộc đối đầu của hai phe ngày càng khốc liệt. Qua điểm nhìn từ một kẻ hai mang, Judas and the Black Messiah dần đưa khán giả vào nội tình của tổ chức Báo Đen. Bill vốn là kẻ trộm đường phố, khá thờ ơ với các phong trào đấu tranh đương thời, như của Martin Luther King hay Malcolm X. Chỉ khi tiếp xúc với Fred, hắn mới hiểu biết hơn về các hoạt động chính trị, cũng như tình hình đương thời. Đảng Báo Đen dần hiện ra trên màn ảnh qua những mảng sáng tối. Sự tích cực của họ trong việc đấu tranh giành quyền lợi cho người Mỹ gốc Phi là chính đáng. Song, việc lạm dụng vũ trang khiến những thành viên tổ chức này dễ tiệm cận sự quá khích, trở nên hiếu chiến. Họ vừa là nạn nhân, vừa là kẻ đáng trách trong nhiều vụ đụng độ thời đó. Xuyên suốt bộ phim là các màn đấu súng gây nhiều thương vong cho hai phía. Tất cả đã tái hiện một chương đẫm máu vào thập niên 1960 tại thành phố Chicago. Với kịch bản dựa trên sự kiện có thật, Judas and the Black Messiah không có nhiều bất ngờ về mặt tình tiết, nhất là kết cục dành cho Fred Hampton. Nhưng đạo diễn Shaka King và nhóm biên kịch vẫn tạo được sự hấp dẫn nhờ cách xây dựng nhân vật đa chiều. Bill O’Neal - tức “Judas” ở tựa đề - vừa là nhân vật chính, vừa có thể được xem là kẻ phản diện trong câu chuyện. Dù là phe địch, tổ chức Báo Đen trao cho Bill lý tưởng sống, sự ấm áp và tình thân. Trong khi đó, FBI - đại diện là đặc vụ Roy (Jesse Plemons) - mang đến tiền bạc, cơ hội thoát án tù, nhưng cư xử tàn nhẫn, chỉ xem gã như công cụ. Sự băn khoăn của Bill giữa lương tâm, tình cảm cá nhân khiến khán giả khó đoán được lòng trung thành thật sự của hắn, ngay cả cho đến những đoạn phim tài liệu cuối tác phẩm, khi nguyên mẫu nhân vật trải lòng về chuyện cũ.

#Dự Phòng